Cách sử dụng và bảo quản sữa ong chúa

Công dụng và cách dùng sữa ong chúa

Sữa ong chúa là gì, công dụng của nó ra sao, cách dùng như thế nào và những ai nên và không nên dùng sản phẩm cao cấp nhất của ngành ong này được TS. Phùng Hữu Chính Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Ong giới thiệu trong bài viết sau.

Hiện nay con người có cuộc sống bận rộn hơn, với áp lực của cuộc sống lớn hơn nên cũng quan tâm đến sức khỏe và ý thức hơn trong việc sử dụng những sản phẩm tự nhiên và an toàn thay những sản phẩm tổng hợp. Sữa ong chúa là một trong những sản phẩm tự nhiên, đang được người tiêu dùng trên thế giới nói chung và người dân nước ta nói riêng ưa chuộng và sử dụng ngày một nhiều hơn. Mỗi năm thị trường thế giới tiêu thụ khoảng 650 tấn sữa ong chúa tươi và khoảng trên 300 tấn bột sữa chúa đông khô (chưa kể sản xuất và tiêu thụ nội địa các nước).  Ở nước ta mỗi năm sản xuất được khoảng 70-80 tấn sữa ong chúa và chủ yếu được tiêu thụ nội địa. Vậy sữa ong chúa là gì?  Nó có thành phần ra sao? Công dụng và cách sử dụng của nó như thế nào? Sữa ong chúa có gây tác dụng phụ nào không và ai không nên dùng sữa ong chúa?

Ảnh: mũ chúa tự nhiên chứa đầy sữa ong chúa

 Sữa ong chúa là chất sệt, dính màu trắng hoặc vàng nhạt, có vị hơi chua do tuyến họng của các ong thợ non (từ 5-14 ngày tuổi) tiết ra để nuôi ấu trùng ong chúa và ong chúa. Đúng ra phải gọi là “sữa nuôi ong chúa” mới chính xác, song gọi như vậy khá dài nên người ta thường gọi là “sữa ong chúa” hoặc “sữa chúa”. Con ong chúa và ong thợ đều được nở ra từ trứng thụ tinh nghĩa là có bộ gen hoàn toàn giống nhau nhưng do được cung cấp chế độ dinh dưỡng khác nhau mà phát triển thành các cá thể có cấu tạo cơ thể và chức năng sinh lý hoàn toàn khác nhau. Ấu trùng ong thợ chỉ được ăn sữa ong chúa với lượng vừa đủ trong 3 ngày đầu tiên, những ngày sau chúng được ăn chủ yếu là phấn hoa và mật ong nên có khối lượng nhỏ (80-100mg) và cấu tạo thích nghi với việc thu hoạch và chế biến mật, phấn. Còn ấu trùng ong chúa được ăn sữa ong chúa với lượng dư thừa trong suốt giai đoạn ấu trùng nên khối lượng của ong chúa lớn (250mg) hơn hơn gấp đôi của ong thợ và có cấu tạo cơ thể phù hợp với chức năng đẻ trứng. Ong chúa có tuổi thọ 4-5 năm trong khi đó ong thợ sống chỉ 40-50 ngày nghĩa là 40 lần ít hơn so với ong chúa. Nhờ ăn sữa chúa, ong chúa có thể đẻ tới 2000 trứng trong 1 ngày đêm nghĩa là khối lượng trứng do nó đẻ ra còn lớn hơn cả khối lượng của chính nó. Vậy thành phần của sữa ong chúa có những chất gì mà tạo nên sự khác biệt lớn như vậ? Theo các công trình nghiên cứu đã công bố thành phần của sữa ong chúa gồm có: hàm lượng ẩm  63-67%, 14,2% protein thô, 5,5% chất béo, đường 10-17% (glucoza, fructoza và sucrôza), 2,8% các chất chưa biết, 1-2% chất khoáng. Sữa chúa có 18 axit amin trong đó có đủ các axit amin cần thiết cho cơ thể. Sữa chúa rất giàu các vitamin như B1, B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic axit), B6, B8 (biotin), B9 (axit folic), E, H… trong sữa chúa cũng có nhiều loại men như oxydaza, cholinesteraza, photphataza, lipaza, diataza, men chuyển hóa amin, các axit hữu cơ đặc biệt là axit 10-hydroxy-2 decenoic (10-HAD) và các nguyên tố đa lượng, vi lượng cần thiết cho cơ thể như canxi, đồng, chất sắt, photpho, kali, silic, lưu huỳnh…

Ảnh: Khai thác sữa ong chúa tại Di Linh, Lâm Đồng

Về thành phần sữa ong chúa khác hẳn với mật ong: mật ong có hàm lượng ẩm là 19-21%, đường đơn (glucoza, fructoza) khoảng 65-70%, đường mía (sucrôza) dưới 5%, dextrin 3-4%, protein 0,1 %, axit 0,13%, chất khoáng 0,2% và một tỷ lệ nhỏ vitamin và các loại men (enzim). Như vậy mật ong là chất có đến gần 80% chất đường, còn chất đạm không đáng kể và chất béo không có còn sữa ong chúa là chất có cả đạm, đường, chất béo, vitamin và chất khoáng nhiều hơn.

Ảnh: Các mũ chúa đầy sữa chuẩn bị cho thu hoạch

 Công dụng của Sữa ong chúa

Theo các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe toàn diện, giúp hồi phục sức khỏe nhanh chóng, kéo dài tuổi thanh xuân, chống sự già hóa. Giúp các trường hợp suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể, thiếu máu và các trường hợp chậm phát triển ở trẻ em. Các thí nghiệm dùng sữa ong chúa trên động vật như côn trùng, chuột nhắt, chuột lang và một số súc vật khác của các nhà khoa học Moreau, Oschman, Winson…thấy đời sống của chúng kéo dài thêm 1/3 so với chuột không được sử dụng sữa chúa.

Sữa chúa có tác dụng hỗ trợ tốt trong việc điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như viêm đường ruột, đau dạ dày, các bệnh về gan. Sữa chúa giúp phòng trị bệnh hen, suyễn, phong thấp, viêm khớp, lao, tiểu đường, bệnh Parkinson…

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sữa ong chúa giúp phục hồi khả năng tình dục dục ở cả hai giới, ổn định sự rối loạn kích thích tố sinh lý, liệt dương ở phái nam, hiếm muộn, vô sinh. Giúp cân bằng kích thích tố cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh.

Sữa ong chúa là chất chống ôxy hóa mạnh có tác dụng điều hòa miễn dịch, sửa chữa những tổn thương ở tế bào do các gốc tự do gây ra, kéo dài tuổi thọ tế bào. Làm tăng sinh tế bào lành và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Bác sĩ y khoa B. Filipic và M. Likvar cho thấy rằng sữa ong chúa giúp ích trong việc điều trị những bệnh nhân bị nhiễm virut, đặc biệt là virut cảm cúm và mụn giộp.

Sữa ong chúa có tác động mạnh đến hệ tim mạch như điều hòa huyết áp (từ cao xuống thấp và ngược lại từ thấp lên cao), duy trì tính đàn hồi của mạch máu, chống sơ vữa động mạch, bảo vệ cơ tim và tăng khả năng làm việc của cơ tim.

Do sữa ong chúa rất giàu các chất dinh dưỡng, men vitamin, trong đó có axit pantothenic có tác dụng quan trọng đến việc tái tạo tế bào nên giữ cho làn da mềm mại, tươi trẻ, xóa bỏ nếp nhăn, duy trì sắc đẹp nên sữa chúa được dung chế các loại kem mỹ phẩm, mặt nạ và nước thơm. Sữa Ong Chúa chứa chất kháng sinh tự nhiên giúp da chống mụn, tiêu mụn, chống viêm da.

Cách sử dụng:

Sữa ong chúa được bán chủ yếu dưới 2 dạng là sữa ong chúa tươi và viên nang chứa sữa đông khô. Sữa chúa đông khô được sử dụng dưới dạng viên nang cứng (dạng bột khô), viên nang mềm (dạng trộn với dầu thực vật và phụ gia khác) hoặc kết hợp sử dụng với nhân sâm, nhung hươu, thảo dược… trong các thực phẩm chức năng. Các sản phẩm này tiện lợi cho việc bảo quản, dễ sử dụng, có thể mang theo khi đi công tác hoặc du lịch nhưng hiệu quả không bằng sữa tươi, giá thành lại khá đắt.

Sữa ong chúa tươi phải bảo quản trong ngăn đá nên khi dùng phải để ra ngoài vài phút cho sữa mềm ra để sử dụng. Có 3 cách chính sử dụng chính là tiêm dưới da, tiêm bắp, đặt dưới lưỡi và uống với mật ong. Cách tiêm dưới da có hiệu quả tốt nhưng chỉ được dùng trong các bệnh viện nước ngoài. Cách thứ hai là đặt 400-500 mg sữa ong chúa tươi ở dưới lưỡi để sữa chúa tan ra. Phương pháp này có hiệu quả tốt vì sữa chúa ngấm trực tiếp vào các mạch máu nhỏ, không bị men phân hủy. Tuy nhiên sữa ong chúa có vị chua, hơi khé nên một số người rất khó dùng. Cách thứ 3 dễ sử dụng nhất là pha khoảng 2-3g sữa ong chúa vào nửa cốc nước đun sôi để nguội rồi thêm 1-2 thìa mật ong tùy theo độ ngọt của mỗi người (có thể thêm 2 thìa phấn hoa càng tốt), khoắng tan rồi uống vị rất dễ chịu giống như uống nước cam. Tuy qua con đường uống một số men tiêu hóa làm ảnh hưởng đến sữa chúa, nhưng bù lại với số lượng lớn sữa chúa vẫn có tác dụng tốt.

Sữa chúa được dùng tốt nhất vào lúc đói nghĩa là vào lúc dạ dày trống rỗng thường vào buổi sáng trước khi ăn sáng 30 phút hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ 15-20 phút.

Có thể pha sữa chúa với rượu trắng để uống, pha 100g vào 1 lít rượu uống 1 chén nhỏ trước bữa ăn. Không nên pha sữa ong chúa với nước nóng hoặc các thực phẩm khác vì trong sữa chúa có một số hoạt chất sinh học quý giá không bền vững sẽ bị phá hủy.

Cách dùng sữa ong chúa làm đẹp da: rửa mặt sạch bằng nước ấm xoa mật ong lên mặt để tẩy tế bào chết khoảng 5 phút sau đó rửa sạch bằng nước ấm. Xoa hỗn hợp sữa chúa với mật ong hoặc nước sạch theo tỉ lệ 1:2 rồi thoa đều lên toàn bộ vùng da mặt, vùng cổ trong khoảng 20-30 phút hoặc để qua đêm, rồi rửa sạch bằng nước ấm. Mỗi ngày làm một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ 20-30 phút. Sau một tuần sẽ thấy làn da được cải thiện rõ, da mịn, sáng và đẹp hơn.

Ảnh Sữa chúa có tác dụng làm đẹp da

Bảo quản: Sữa ong  chúa tươi bảo quản trong ngăn đá có thể được 12 tháng không giảm chất lượng, còn bảo quản ở tủ đá  – 18oC sau 3 năm chất lượng không bị ảnh hưởng. Trộn sữa chúa với mật ong theo tỷ lệ 1:10 để ở nhiệt độ trong phòng được vài tháng.

Phân biệt sữa ong chúa thật giả:

Để phân biệt sữa ong chúa thật giả phải tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm các chỉ tiêu chính như Protein, chất béo, đường và axit 10-hydroxy-2 decenoic (10-HAD hàm lượng trên 1,6%). Về cảm quan có thể nhận biết sữa chúa tươi tốt có màu trắng sữa hoặc vàng nhạt, nếu bảo quản quá lâu hoặc ở nhiệt độ cao nó chuyển sang màu vàng đậm. Sữa chúa không được lẫn tạp chất như ấu trùng và vảy sáp, không có bọt khí vì có bọt khí là sữa chúa đã bị lên men. Về hương vị sữa chúa có mùi thơm đặc trưng mùi chua, thơm nồng. Khi nếm thấy sữa tốt có vị chua, hơi ngọt, khé nhưng có mùi thơm, không có sạn.  Nếu sữa ong chúa của ong có vị đắng, quá ngọt, có mùi hôi hay mùi giống như rượu vang, vị rất chua là sữa chất lượng xấu, bị lên men hoặc bị pha trộn. Để kiểm tra sữa chúa có bị trộn tinh bột hay không ta lấy một ít sữa chúa cho vào lam kính, nhỏ lên đó 1 giọt cồn iod nếu có màu xanh xuất hiện là sữa chúa có pha thêm bột là sữa giả. Hiện nay trên thị trường nước ta rất ít có sữa ong chúa giả, chủ yếu là sữa chúa bảo quản không tốt nên có màu vàng hoặc mùi vị khó chịu. Để bảo đảm mua được sữa ong chúa có chất lượng nên mua sữa chúa tại các cửa hàng của các Công ty có uy tín, sản phẩm có mác nhãn và hạn sử dụng.

Những lưu ý khi dùng sữa ong chúa

Sữa ong chúa là sản phẩm tự nhiên nên rất an toàn cho người sử dụng tuy nhiên trong hàng triệu người sử dụng sữa ong chúa đến nay đã có 9 báo cáo về tác động phụ của sữa ong chúa. Vậy những người nào không nên dùng sữa ong chúa: đó là người mắc bệnh hen suyễn bị dị ứng với phấn hoa hoặc nọc ong nó có thể gây co thắt phế quản và khó thở. Những người này có thể bị sốc thuốc khi dùng sữa ong chúa. Một số người bị dị ứng với phấn hoa hoặc mật ong khi uống sữa chúa có thể bị dị ứng tiêu chảy hoặc đau bụng. Một vài người bị dị ứng khi dùng sữa chúa bôi lên da làm da sưng đỏ và ngứa, vì vậy trước khi dùng sữa chúa làm đẹp da cần xoa thử 1 ít sữa chúa lên cổ tay nếu thấy không viêm da như sưng đỏ, ngứa là được nếu có hiện tượng dị ứng thì ngừng lại. Trung tâm y tế  trường đại học Pittsburg cảnh báo những người đang dùng thuốc chống đông máu (làm loãng máu) thì không nên sử dụng sữa ong chúa vì nó có thể gây chảy máu nội bộ.

Trẻ em: Sử dụng sữa chúa rất an toàn nhất là các trẻ chán ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng liều dùng thích hợp bằng một nửa liều người lớn. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú nói chung là an toàn, nhưng khi tác dụng của sữa ong chúa trong khi mang thai và cho con bú chưa được đánh giá và nghiên cứu đầy đủ nên được khuyến cáo là không nên sử dụng.

Người có bệnh huyết áp thấp có dùng sữa chúa được không? Theo nhà nghiên cứu Ioiris (Liên xô cũ) tác giả cuốn sách “Con ong- dược sĩ có cánh” cho biết sữa chúa đã được thử nghiệm và có kết quả tốt với các bệnh tim mạch vì sữa ong chúa có nhiều axetylcholin là chất làm dãn mạch vì thế có tác dụng tốt với bệnh cao huyết áp, mỡ trong máu. Ông còn cho biết sữa ong chúa còn có tác dụng tốt với bệnh huyết áp thấp. Như vậy sữa ong chúa là chất điều hòa huyết áp độc đáo: với người bị bệnh huyết áp cao, thì nó giúp làm hạ xuống còn với những người bị hạ huyết áp thì nâng huyết áp lên đến mức bình thường. Vì thế thông tin về một người huyết áp thấp sử dụng sữa ong chúa bệnh nặng hơn mà khuyến cáo người huyết áp thấp không nên dùng là thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn.

TS Phùng Hữu Chính

Gọi số 0947574466 để có một sản phẩm như ý bạn nhé!

Công ty Cổ phần Phát triển Ong Việt nam 

http://facebook.com/ongvietnam.vn

Trả lời