Nghề nuôi ong lấy mật cần chuẩn bị những gì?

Nghề nuôi ong mật cũng đã có từ lâu đời ở nước ta. Nuôi ong không tốn đất, không phải trồng cây làm thức ăn cho ong. Còn chỗ đặt tổ thì quá dễ, bạn có thể tận dụng mọi chỗ chứ không cần quy hoạch thành những vùng riêng. Dụng cụ nuôi ong đơn giản, có thể tự làm từ các nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Ưu điểm của nghề nuôi ong là không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn và không tốn nhiều nhân lực. Do đó bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp bằng nghề nuôi ong lấy mật ở địa phương mình.

Khai thác lợi thế từ thiên nhiên, kết hợp kinh nghiệm dân gian với khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu bằng hình thức nuôi ong lấy mật kết hợp trồng cây cảnh, trong đó không ít người đã trở thành tỷ phú sinh ra từ làng.

Nếu có ý định nuôi ong lấy mật và có không gian ở quê nhà thì dưới đây là những việc bạn cần chuẩn bị.

Tìm hiểu về loài ong và nghề nuôi ong lấy mật
Để phát triển hiệu quả mô hình này trước hết bạn cần có sự am hiểu về đặc tính của loài ong. Am hiểu sâu sắc đời sống, tổ chức của đàn ong sẽ tạo điều kiện cho việc nuôi ong hiệu quả.

Nuôi ong được xem là một nghề đòi hỏi sự khéo léo, dày công chăm bẵm như trẻ nhỏ nhưng cũng không phải là quá khó khăn nếu người làm nghề thực sự ham thích học hỏi và cần nhất là sự cần mẫn như chính loài ong.

Không chỉ am hiểu đặc tính của loài ong, người nuôi ong cũng cần phải có sự am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa con ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào.

Điều kiện thiên nhiên, khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nuôi ong. Bởi vậy việc nuôi ong cần dựa trên sự khảo sát, tìm hiểu tình hình thời tiết, khí hậu của mỗi vùng miền và mỗi thời kỳ.

Nghiên cứu thị trường và khách hàng tiềm năng
Trước khi nuôi ong lấy mật bạn cần phải nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng tiềm năng. Nên tìm hiểu xung quanh đã có nhà nào, trang trại nào nuôi ong lấy mật hay chưa, các sản phẩm từ họ thế nào, giá thành, chất lượng, nhu cầu từ khách hàng ra sao…

Từ đó bạn có thể bắt tay vào nuôi ong lấy mật và tạo ra sản phẩm riêng cung cấp ra thị trường.

Chọn địa điểm đặt đàn ong
Nguồn thức ăn chính của ong là mật của các loài hoa. Bởi vậy việc lựa chọn địa điểm đặt đàn ong cần phải dựa trên đặc điểm này.

Theo kinh nghiệm, địa điểm đặt đàn ong cần:
– Gần nguồn mật phấn hoa
– Không phun thuốc sâu, hóa chất.
– Không có dịch bệnh, ít hoặc không có ong rừng, chim thú hại.
– Địa hình thoáng mát, yên tĩnh, không gần đường giao thông, nhà máy đường, nhà máy hóa chất, nhà máy chế biến hoa quả và không có hồ lớn bao quanh…

Chọn giống ong
Trong quy trình, kỹ thuật nuôi ong, hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm là chọn giống ong và kỹ thuật chăm sóc, phòng chữa các loại bệnh cho ong.

Việc chọn giống ong ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mật: giống tốt, con chúa đẻ khỏe thì cho năng suất mật cao. Người tạo giống phải có kỹ năng chọn những đàn ong có các đặc tính mong muốn.

Sau đó, để đạt được thành công cao nhất, họ phải cho ong đực chọn từ đàn bố giao phối với ong chúa tơ tạo từ đàn mẹ.

Theo kinh nghiệm và nghiên cứu của các chuyên gia, việc lựa chọn ong làm giống dựa trên 5 đặc tính cơ bản:

– Đặc tính hung dữ
– Sản lượng mật
– Tình trạng ấu trùng
– Dịch bệnh
– Khả năng dọn vệ sinh trong tổ

Yếu tố quyết đinh để nuôi ong lấy mật cho hiệu quả cao là nguồn ong giống, hiện tại ở nước ta có hai loại ong giống chính là ong nội và ong ý. Ong nội là loại giống ong có nguồn gốc trong nước sản lượng mật thấp nhưng ít dịch bệnh và dễ nuôi còn giống ong ý là giống ong ngoại nhập cho sản lượng mật cao phù hợp với nuôi ong số lượng lớn.

Bạn có thể liên hệ với các trại ong cung cấp ong giống để lấy giống về nuôi.

Chuẩn bị dụng cụ
Thùng nuôi ong được xem như ngôi nhà chung của đàn ong. Có thùng nuôi ong tốt thì việc nuôi ong sẽ hiệu quả. Tùy vào điều kiện của từng vùng có thể xây dựng thùng nuôi ong phù hợp.

Thùng nuôi ong: Để nuôi ong người ta dùng các kiểu thùng gỗ thông dụng tự chế theo cách riêng, nhưng hiện nay là kiểu thùng langtros, có hai cửa sổ để đóng mở, phía trên có nắp đậy để chống mưa nắng. Cửa ra vào của ong phải to và rộng để không ảnh hưởng đến quá trình tạo bầy đàn của ong.

Về cách đặt thùng ong, nên kê cao 25 – 30cm so với mặt đất, thùng nọ cách thùng kia ít nhất 1m, cửa ra vào đặt các hướng khác nhau, chọn nơi khô ráo, thoáng mát như dưới hiên nhà, cạnh gốc cây. Không nên đặt đàn ong trên sân gạch, nền xi măng, nơi qúa ẩm ướt hoặc gần chuồng gia súc, gia cầm.

Khung cầu: phía bên trong thùng ong là các cầu ong hay gọi là khung cầu (kèo) có thể tháo ra mở vào để lấy mật, trên khung cầu này ta sẽ đặt vào bánh tổ để cho ong xây tổ. Nuôi ong bằng khung cầu di động là dụng cụ để khai thác mật thuận tiện nhất, cho năng suất mật cao.

Các dụng cụ khác: dụng cụ để khai thác mật thuận tiện nhất, cho năng suất mật cao.

Kỹ thuật chăn nuôi ong
Trong quá trình nuôi ong lấy mật, người nuôi ong cần phải chú ý học hỏi và thành thạo các kỹ thuật chăn nuôi từ thùng nuôi ong, kỹ thuật chia đàn tự nhiên, nhập đàn ong, cầu ong…

Nắm vững kỹ thuật nuôi ong sẽ khiến cho đàn ong phát triển tốt hơn và cho sản lượng cao.

Phòng chữa bệnh cho ong
Các loại bệnh trên ong phổ biến nhất là: bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi và bệnh ỉa chảy. Trong quá trình chăm sóc, phát hiện và chữa trị kịp thời các loại bệnh cho ong rất quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất lấy mật.

Ngoài ra bạn cũng cần am hiểu các phương pháp chống nóng chống rét cho ong để có đàn ong khỏe mạnh, cho năng suất cao.

Kỹ thuật khai thác
Ngoài chăn nuôi ong, phòng chữa bệnh cho ong, bạn phải nắm vững những kỹ thuật khai thác sản phẩm: Khai thác Phấn hoa, Khai thác sữa ong chúa, Khai thác mật ong…

Sưu tầm

Trả lời